Nếu có dịp ghé thăm vùng đất võ Bình Định bạn hãy ghé thăm và khám phá Thành Hoàng Đế – một trong những di tích lịch sử đặc sắc nổi tiếng bậc nhất tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Thành Hoàng Đế có nhiều tên gọi khác nhau như: Thành Vijaya (tên gọi thời kỳ Vương Quốc Champa), thành Chà Bàn (tên gọi thời sử sách nhà Lê), Thành Hoàng Đế (tên gọi thời Tây Sơn), thành Bình Định ((tên gọi thời nhà Nguyễn) và thành Đồ Bàn (tên gọi theo sử liệu sau này) là công trình kiến trúc, di tích lịch sử đặc biệt. Di tích Thành Hoàng Đế Bình Định đặc biệt ở chỗ nơi đây từng là kinh đô của 2 triều đại, trong 2 giai đoạn lịch sử cách nhau hơn 300 năm là vương quốc Champa và nhà Tây Sơn.
Trải qua sự tàn phá của thời gian, của chiến tranh và sự phá hủy của nhà Nguyễn thì hiện nay, thành Hoàng Đế chỉ còn là một phế tích điêu tàn, hoang vắng.
Nhà thơ Chế Lan Viên có vài câu thơ nói về Thành cổ Hoàng Đế như sau:
“Thành Đồ Bàn cũng không thôi nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê”…
>>>>> Xem Thêm Các Sản Phẩm: Đặc Sản Bình Định
Giới Thiệu Về Lịch Sử Thành Đồ Bàn (Thành Hoàng Đế)
Vào cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI, vương triều Champa dưới thời Chiêm vương Ngô Nhật Hoan quyết định dời đô từ Đồng Dương (Quảng Nam) về phía Nam và chọn Đồ Bàn (ngày nay thuộc địa bàn xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) làm nơi xây dựng kinh đô mới.
Theo như Văn bia Chămpa còn ghi chép lại kinh đô mới tên là Vijaya, sách sử thời Lê gọi là thành Chà Bàn, còn sử liệu sau này gọi là thành Đồ Bàn.
Trong năm thế kỷ từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XV Thành Đồ Bàn là kinh đô, là trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa, tôn giáo, kinh tế phồn thịnh của vương quốc Champa. Trong suốt thời gian đó, người Chăm đã cho xây dựng trên đất Bình Định nhiều công trình kiến trúc độc đáo như thành quách, đền tháp, ….
Hiện nay trên địa phận tỉnh Bình Định còn lại 8 cụm tháp Chăm với tổng số là 14 tháp nằm rải rác xung quanh khu vực thành Đồ Bàn gồm: tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít (Tháp Bạc), tháp Cánh Tiên (tháp Đồng), tháp Đôi (tháp Hưng Thạnh), tháp Dương Long (tháp Ngà), tháp Phú Lốc (tháp Vàng), tháp Thủ Thiện, tháp Hòn Chuông. Trong đó, tháp Cánh Tiên là tòa tháp có vị trí gần như là trung tâm của thành Đồ Bàn xưa.
Ngoài ra, trong khu vực thành Đồ Bàn xưa còn lưu giữ lại một số tác phẩm điêu khắc đá như tượng voi đá, tượng sư tử đá, …. Đây là những di sản văn hóa quý giá mà người Chăm đã để lại cho chúng ta đến ngày nay.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem quân đi chinh phạt Chămpa và sát nhập vùng đất Bình Định ngày nay vào lãnh thổ của Đại Việt thì từ đó thành Đồ Bàn chấm dứt vai trò là kinh đô của vương quốc Champa.
Đến thế kỷ XVIII, khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Nhạc đã chọn thành Đồ Bàn xưa làm đại bản doanh. Năm 1775, Nguyễn Nhạc cho xây dựng kinh thành mới dựa trên cơ sở thành Đồ Bàn. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức, từ đây thành Đồ Bàn chính thức mang tên mới là thành Hoàng Đế.
Thành Hoàng Đế chứng kiến biết bao trận đánh của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.
Năm 1802, khi nhà Tây Sơn bị đánh bại, Nguyễn Ánh lên ngôi đã đổi tên thành Hoàng Đế thành thành Bình Định và bắt đầu thực hiện chính sách trả thù nhà Tây Sơn như các thành tựu đều bị xóa bỏ, các công trình kiến trúc do nhà Tây Sơn xây dựng đều bị phá nát trong đó có thành Hoàng Đế, vật liệu xây dựng thành được tháo dỡ mang đi xây thành mới ở nơi khác.
Năm 1805, trên nền điện Bát Giác của thành Hoàng Đế nơi Vua Thái Đức thiết triều nhà Nguyễn cho xây dựng lăng Võ Tánh, dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói. Tương truyền nơi đây cũng là nơi Võ Tánh đã tự thiêu.
Ngôi mộ cạnh mộ Võ Tánh, tương truyền là mộ người hầu Võ Tánh, ngôi mộ ở góc đông nam Tử cấm thành tương truyền là mộ của những tướng sĩ trung thành chết theo Võ Tánh.
Đến năm 1815, lầu Bát Giác được sửa sang lại làm đền Song Trung thờ hai vị tướng trung thành của nhà Nguyễn đã tự vẫn trong thành khi bị quân nhà Tây Sơn bao vây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là đền Chiêu Trung).
Khuôn viên Tử cấm thành của thành Hoàng Đế trở thành khu lăng mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn.
Thành Hoàng Đế Nằm Ở Đâu?
Thành Hoàng Đế là kinh đô xa nhất của người Việt về phương Nam, thành nằm tọa lạc trên địa bàn xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 27km về hướng Tây Bắc.
Nếu bạn là khách du lịch muốn đến thăm quan, khám phá di tích Thành Hoàng Đế bạn có thể lên google map tìm đường đi đến Thành Hoàng Đế Bình Định và đi theo chỉ dẫn là đơn giản nhất.
>>>>> Xem Thêm: 20+ Điểm Du Lịch Nổi Tiếng “Không Thể Bỏ Qua” Khi Đến Bình Định.
Kiến Trúc Của Thành Hoàng Đế
Để tìm lại những dấu vết kiến trúc của thành Hoàng Đế xưa, từ năm 2004 – 2013, ngành Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch của tỉnh Bình Định đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiến hành nhiều cuộc khai quật khảo cổ qua đó diện mạo, kiến trúc thành Hoàng Đế cùng nhiều dấu tích kiến trúc văn hóa Champa thành Đồ Bàn dần được phát lộ. Cuộc khai quật năm 2005 đã làm bộc lộ nền điện Bát Giác của nhà Tây Sơn tại địa điểm lăng mộ Võ Tánh.
Dù đã trải qua hơn 200 năm dưới sự tác động của thiên nhiên, của chiến tranh cùng sự trả thù, phá hủy của nhà Nguyễn nhưng thành Hoàng Đế vẫn còn rõ nét thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành.
Thành Ngoại
Thành ngoại có chu vi là 7400m, diện tích khoảng 3,3km², bốn mặt tường thành phân bố theo đúng bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Các bờ tường thành dài lần lượt là phía bắc 2038m, phía nam 2188m, phía đông 1564m, phía tây 1610m. Thành ngoại có 5 cửa: mặt phía đông, phía tây và phía bắc mỗi mặt có một cửa: Cửa Đông còn gọi là cửa Tá, cửa Tây còn gọi là cửa Hữu và cửa Bắc còn gọi là cửa Hậu. Riêng mặt phía nam có 2 cửa là cửa Tiền hay còn gọi là cửa Vệ và cửa Tân Khai.
So với cấu trúc của thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa thì thành ngoại của thành Hoàng Đế được mở rộng thêm về hướng đông và được mở thêm 1 cửa là cửa Tân Khai ở mặt phía nam.
Về cấu trúc tường thành thì thành Đồ Bàn của Vương Quốc Chămpa có cấu trúc đắp đất, bó gạch, gốm và đá ong. Nhà Tây Sơn, đã tận dụng cấu trúc ấy, kè thêm đá ong và đắp đất cao thêm.
Ngày nay, phần còn lại của tường thành nơi cao nhất cao từ 3 – 6m, chân rộng từ 10 – 15m, mặt thành rộng từ 4 – 5m. Trên mặt bờ thành phía nam hiện còn trụ đá cắm thẳng đứng, cao 3m, rộng 0,7m, dày 0,5m, đó là dấu tích của thành Đồ Bàn. Ngày nay, chưa ai hiểu được ý nghĩa của trụ đá đó đối với thành Đồ Bàn là gì.
Thành Nội
Thành nội còn được gọi là Hoàng Thành, có cấu trúc hình chữ nhật, chu vi 1600m, 4 mặt thành theo đúng 4 hướng đông, tây, nam, bắc, bờ thành phía đông và phía tây dài 430m, bờ thành phía nam và phía bắc dài 370m.
Những dấu vết còn lại của tường thành cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất, thành có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền.
Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái. Voi cái cao 1,7m, dài 2,2m, thân rộng 0,7m tạc trong tư thế tĩnh, mang bành và đồ trang sức thể hiện những yếu tố của nghệ thuật Champa. Voi đực cao 2m, dài 2,2m, thân rộng 1m, tạc trong tư thế động, vòi uốn cong như đang nhổ một vật gì đó.
Tượng hai con voi đá tại thành Đồ Bàn ở Bình Định có dạng tượng tròn và đây là tượng điêu khắc có kích thước lớn nhất của người Champa hiện còn. Tượng hai con voi đá tại thành Đồ Bàn được công nhận bảo vật quốc gia là hiện vật gốc, độc bản mang phong cách điêu khắc Chăm ở thế kỷ XII.
Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với chu vi 600m, dài 174m, rộng 126m, diện tích gần 22000m2, cửa chính của Tử Cấm Thành quay về hướng Nam, gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường thành nơi cao nhất hiện còn khoảng 3m. Trong khu vực Tử Cấm Thành hiện còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; các công trình kiến trúc cung điện của nhà Tây Sơn gồm: hai hồ bán nguyệt (thủy hồ) và lầu Bát Giác; khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu.
Đứng ở khu vực Tử Cấm Thành, bạn có thể nhìn thấy Tháp Cánh Tiên từ xa, tháp cao khoảng 20m có vị trí gần như ở trung tâm của thành Đồ Bàn, đây cũng là ngôi tháp Chăm duy nhất còn lại trong Thành Đồ Bàn.
Thành Hoàng Đế được xem là hoàng thành có quy mô lớn nhất trong hệ thống các thành cổ của Việt Nam còn tồn tại đến nay.
Vị Trí Quận Sự Chiến Lược Quan Trọng Của Thành Hoàng Đế
Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, hiện nay thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của hai vương quốc Champa, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Các kiến trúc của ba thời kỳ nằm đan xen nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích, đặc biệt là kiến trúc quân sự.
Nơi này được coi là “thắng địa”, có vị trí cao thoáng, lấy núi Mò O làm tiền án ở phía Đông, núi Tam Sơn làm lá chắn tự nhiên ở phía Nam, phía Tây là những dải đồi thấp nối tiếp nhau trải dài tạo tấm lá chắn giăng trước lũy. Ba mặt thành, phía xa là các dòng sông uốn lượn như hào tự nhiên che chắn. Thành được xây dựng trên thế đất hội tụ núi sông liền kề, liên kết điệp trùng, vừa có thế công vừa có thế thủ. Đây cũng là lý do khiến hai triều đại vương quốc Champa và Tây Sơn quyết định chọn nơi này định đô.
Theo tài liệu của Tổng đốc Bình Phú Quan phòng Phan Huy Dũng và Trần Tiến Hối (triều Thành Thái) ghi chép lại, thành Đồ Bàn dựa vào núi Long Cốt để làm nên thế vững chãi. Thành có hình vuông rộng hơn 10 dặm có bốn cửa. Xây bằng gạch, rào gỗ, tuy không có hào rãnh nhưng vẫn kiên cố.
Còn theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển, thành Đồ Bàn được xây dựng ở vị trí trung tâm đất nước, tựa vào thế vững chãi của núi Long Cốt. Bên hữu lấy núi Phong làm lũy, bên tả lấy bể làm hào; núi Cù Mông như rồng cuộn khúc ở phía trước; bến Thạch Tân như cọp hùng cứ ở mặt sau, quả là một nơi có địa thế hiểm trở của tự nhiên.
Với những chi tiết kiến trúc hiện còn lại và những giá trị lịch sử của một tòa thành đã hai lần giữ vai trò là kinh đô trong lịch sử, Thành Hoàng Đế xứng đáng là một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá những vùng đất kinh đô của đất nước.
Di tích Thành Hoàng Đế được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 24/12/1982.
Về rồi là những thông tin chia sẻ của Đặc Sản Bình Định Online về di tích lịch sử thành Hoàng Đế Bình Định. Nếu chỉ xem qua bài viết bạn không thể hình dùng được công trình xưa kỳ vỹ như thế nào. Hãy xách balo lên và đi đến tận nơi để tìm hiểu rõ hơn bạn nhé.
Xem Thêm Một Số Điểm Du Lịch Nổi Tiếng Tại Bình Định:
Cảm ơn bạn đã dành thời gian theo dõi bài viết.
Chúc bạn sức khỏe và thành công.
Đặc Sản Bình Định Online – Địa Chỉ Chuyên Cung Cấp Các Sản Phẩm Đặc Sản Bình Định Chính Gốc – Uy Tín – Đảm Bảo Chất Lượng. Các Sản Phẩm Đặc Sản Xứ Nẫu Như: Rượu Bầu Đá, Bia Quy Nhơn, Chả Cá Quy Nhơn, Chả Ram Tôm Đất, Nem Chợ Huyện, Bánh Ít Lá Gai, Bánh Tráng Nhúng, Mắm Mực, Mắm Cá Cơm, Nước Mắm Nhỉ, Khô Mực, Khô Cá Cơm, Chả Lụa, Chả Bò, Tré Rơm, Bánh Hồng, Dầu Đậu Phộng, Bún Song Thằn, Rượu Nước Nóng Vĩnh Thạnh, Rượu Nhung Nai Vĩnh Kim, Mực Cán Con, Mực Ngào, Mực Xé Sợ Rim Me, Cá Cơm Rim Me, Khô Cá Cơm, Khô Cá Chỉ Vàng, …
Thông Tin Liên Hệ Mua Hàng:
Hotline: 097 40 47 465
Zalo: 097 40 47 465
Địa Chỉ: Số 7, Quốc Lộ 1A, Phường Đông Hòa, Thành Phố Dĩ An, Tỉnh Bình Dương (Gần Trường ĐH Nông Lâm TPHCM).